BẠN CÓ THỰC SỰ HIỂU BIẾT VỀ GAN

BẠN CÓ THỰC SỰ BIẾT VỀ GAN

Ảnh: https://healthhearty.com/fatty-infiltration-of-liver

Trong các cơ quan nội tạng, gan có khối lượng lớn nhất, vượt cả tim, phổi, thận…, với khối lượng trung bình từ 1.100 gram cho đến 1.800 gram và có bề dày trung bình khoảng 15 cm – tất nhiên là có những người… “to gan” hơn người khác. Thông thường, trọng lượng của gan sẽ phụ thuộc vào trọng lượng của mỗi người, trong đó gan của đàn ông trưởng thành sẽ nặng hơn gan của phụ nữ ở độ tuổi tương đương.


Đặc điểm của gan

Đặc điểm nổi bật của gan là khả năng tự tái tạo, phát triển các tế bào của chính mình trong trường hợp bị phá huỷ bởi các thương tổn tạm thời hoặc bệnh tật. Tuy nhiên, nếu những thương tổn này liên tục kéo dài, gan có thể sẽ không hồi phục lại chức năng của mình như trước được.

Lá gan con người  có màu nâu đỏ sậm, nằm ở phần trên của bụng, về phía bên phải, ngay bên dưới cơ hoành hay còn gọi là hoành cách mô (diaphragm), tức là phần ngăn cách giữa phổi và các cơ quan dưới bụng. Những xương sườn bên dưới cùng che chở, bảo vệ cho gan, nhờ đó mà những chấn thương từ bên ngoài có thể được hạn chế không làm hại đến gan.

Mặc dù các chức năng của gan là vô cùng phức tạp và đa dạng, nhưng cấu trúc của gan lại khá đơn giản. Gan được phân chia thành 2 thùy (lobe), thùy phải và thùy trái, với khoảng giữa của hai thuỳ nằm hơi chồng mí lên nhau. Sự phân chia này dựa theo vị trí của dây chằng liềm (falciform ligament) nối liền gan với cơ hoành và thành bụng trước.

Cấu trúc của gan

Mỗi thuỳ của gan lại phân ra hàng ngàn đơn vị cấu trúc rất nhỏ, mỗi đơn vị có hình lục giác, rất nhỏ. Tuy rất nhỏ, nhưng mỗi một đơn vị cấu trúc ấy đều có một tĩnh mạch cực nhỏ chạy xuyên qua giữa tâm và cuối cùng tập trung cả về tĩnh mạch gan, là tĩnh mạch đưa máu ra khỏi gan về tim. Vây quanh tĩnh mạch cực nhỏ ở giữa của mỗi đơn vị cấu trúc là hàng trăm tế bào hình khối, được gọi là hepatocyte.




Bên ngoài bề mặt của mỗi đơn vị cấu trúc là những tĩnh mạch, động mạch nhỏ và các ống dẫn đưa các chất lỏng đến và đi. Khi gan hoạt động, các chất dinh dưỡng được thu nạp, các chất thừa bị thải bỏ, và những chế phẩm của gan được đưa vào cơ thể qua các ống dẫn này.

Mạng lưới các “ống dẫn” chuyển tải qua gan mỗi một phút khoảng chừng 1,4 lít máu. Chúng ta có thể hình dung được, như vậy cứ mỗi một ngày đêm gan đã phải xử lý trung bình là 2.000 lít máu! Lượng máu này sau khi đi qua gan cuối cùng được chuyển trở về tim để từ đó được phân phối đi cho các bộ phận khác trong cơ thể.

Hoạt động của gan

Khác hẳn với tất cả những cơ quan khác, gan là cơ quan duy nhất trong cơ thể nhận đến hai nguồn cung cấp máu. Động mạch gan cung cấp từ 25 đến 30% lượng máu giàu oxy cho gan, là nguồn nuôi sống các tế bào của cơ quan này. Khoảng 70 đến 75% lượng máu còn lại mà gan nhận được là qua tĩnh mạch cửa của gan.

Lượng máu này được đưa đến từ cơ quan tiêu hoá như bao tử, lá lách, tụy tạng, túi mật, ruột non, ruột già….. đã hoà tan và mang các chất dinh dưỡng đến gan để được tiếp tục chế biến thêm hoặc dự trữ lại.

Như vậy, gan là cơ quan đầu tiên trong cơ thể nhận được các dưỡng chất từ các cơ quan tiêu hoá, để làm nhiệm vụ kiểm soát, thanh lọc và chế biến trước khi đưa ra cung cấp cho tất cả các cơ quan khác trong toàn cơ thể. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho ung thư từ nhiều bộ phận khác của cơ thể dễ dàng lan đến gan.

Phản ứng:

Post a Comment

0 Comments